Dưa lưới là loại quả khá quen thuộc với chúng ta. Đây là một loại trái cây bổ dưỡng và có chứa nhiều vitamin tốt cho sức khỏe như thanh nhiệt, giải khát, lợi tiểu…. Dưa lưới có mùi vị thơm mát, ngọt lạnh rất dễ ăn. Hiện nay, việc tự trồng dưa lưới để lấy quả dùng rất được mọi người hưởng ứng.  Hôm nay, Nông Nghiệp 4K xin chia sẻ đến các bạn kỹ thuật trồng dưa lưới trong thùng xốp đơn giản mà hiệu quả nhé!

1. Điều kiện, thời vụ trồng dưa lưới tại nhà

Dưa lưới thích nghi với điều kiện khí hậu ấm áp, khô ráo, đầy đủ ánh sáng, chịu lạnh kém. Vì vậy bạn có thể trồng vào tháng 2-3, thu hoạch vào cuối tháng 4 hoặc sang tháng 5. Hoặc có thể trồng vào  tháng 8,9 dương lịch và thu hoạch vào tháng 11-12.

Vì chúng ta trồng bằng chậu, thùng xốp nên bạn có thể trồng xen một đợt nữa cũng được. Không nên trồng dưa lưới vào thời tiết lạnh vì cây sẽ kém phát triển. Nhiều sâu bệnh và chất lượng đậu quả cũng kém hơn, trái nhỏ và không được ngọt.

2. Chuẩn bị hạt giống trồng dưa lưới trong thùng xốp, trong chậu

Dưa lưới giống cũng khá đa dạng và có nhiều chủng loại. Hiện nay có khá nhiều giống dưa lưới như: Taki Nhật, Bảo Khuê, Chu Phấn, Khang Nguyên, Kim Ngân, Phụng Tiên, Thiên Nữ,… Tùy vào sở thích, điều kiện mà bạn có thể chọn cho mình giống dưa phù hợp.

Bạn nên chọn những loại hạt giống tốt một chút, phù hợp với vùng miền của mình. Nên chọn hạt giống hạt F1để có tỉ lệ hạt nảy mầm cao, cho ra quả to ngọt. Nếu bạn chọn hạt giống nội địa, không có thương hiệu thì hạt giống có sức đề kháng và nảy mầm kém. Đặc biệt có khả năng ảnh hưởng đến cho năng suất trái.

3. Vị trí trồng dưa lưới

Dưa lưới là cây ưa sáng nên có thể trồng ở những nơi đầy đủ ánh sáng. Bạn có thể trồng dưa lưới trên sân thượng, ở ban công thậm chí có thể trồng trên mái nhà.

Tuy nhiên, nếu như diện tích ban công hay sân thượng quá bé cũng không phù hợp với việc trồng dưa lưới. Ví khi trồng ở không gian hẹp thiếu ánh sáng, cây sẽ cho ra quả bé và chất lượng quả không cao.

4. Chậu trồng

Cũng giống như cây cà chua hay dưa leo. Dưa lưới là cây có bộ rễ phát triển nhanh và khỏe để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho cây. Do đó không gian chậu phải đủ lớn. Việc sử dụng thùng xốp hoặc các xô thùng nhựa để trồng để trồng dưa lưới sẽ tốt hơn chậu.

Bạn cần đục nhiều lỗ dưới đáy thùng xốp để tăng khả năng thoát nước. Tạo sự thông thoáng và trao đổi oxy vào trong đất. Giúp cây không bị ngập úng, và phát triển tốt.  Tùy kích thước thùng mà bạn chọn số lượng cây trồng, thường thì khoảng 1-2 cây.

5. Chuẩn bị đất trồng dưa lưới

Đất trồng dưa lưới cần phải đảm bảo tính tơi xốp, thoát nước tốt và giàu chất dinh dưỡng. Bạn nên sử dụng đất sạch + phân trùn quế, dịch trùn quế kết hợp xơ dừa. Những loại đất kiểu như này có sẵn tại các cửa hàng cây cảnh. Bạn nên mua ở đó để đảm bảo chất lượng, cũng như độ hiệu quả khi trồng. Ngoài ra, bạn cũng có thể tự làm hỗn hợp đất trồng nhưng sẽ không đảm bảo chất lượng, mang nhiều mầm bệnh. 

6. Cách ươm hạt và trồng dưa lưới con vào trong chậu, thùng xốp

Đầu tiên bạn ngâm hạt với nước ấm (tỉ lệ: 2 sôi + 3 lạnh) khoảng 4-5 tiếng. Sau đó ủ hạt trong một mảnh vải ẩm cho đến khi hạt có hiện tượng tách nhẹ, là có thể đem ra ươm.

Hạt sau khi được ủ xong, bạn mang hạt ra đặt vào những bầu ươm đã được chuẩn bị sẵn. Sau đó phủ một ít đất lên phía trên và tưới nước giữ ẩm cho hạt. Nên để bầu ươm ở nơi thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp. Hạt sẽ bắt đầu nảy mầm sau khoảng 2-3 ngày được gieo và khoảng 7-10 ngày thì cây cho ra hai lá thật. Dùng bình xịt để tưới cho đều và an toàn cho hạt nảy mầm. 

Sau khi cây đã cho ra 2 lá chính, bạn tiến hành di chuyển cây con sang chậu trồng.

Đào một lỗ nhỏ chính giữa chậu, nhẹ nhàng tháo bầu ươm và đặt cây con vào trong vị trí chậu mới. Lưu ý là trong quá trình tháo bầu ươm cần làm nhẹ nhàng, tránh đứt rễ khiến cây bị chột.

Sau đó dùng tay nén nhẹ nhàng xung quanh gốc, và tưới nước đạm cho cây. Vẫn để cây trong chỗ râm mát, tránh ánh nắng trực tiếp. Và mỗi ngày tưới nước 2 lần, dùng bình xịt tưới để đảm bảo độ ẩm cho đất và không bị dư nước.

7. Cách chăm sóc cây dưa lưới trồng trong chậu, thùng xốp

7.1 Tưới nước

Dưa lưới là loại cây khá dễ trồng, và không cần quá nhiều công chăm sóc. Trong quá trình phát triển của cây, bạn chỉ cần nhớ một điều là tưới đủ ẩm cho đất là được. Nếu như những ngày quá nắng nóng, thì cần tưới nhiều hơn. Và những ngày ẩm trời, nên rút bớt lượng nước. Tránh tình trạng tưới nhiều nước dẫn đến úng và thối rễ. Đối với cách trồng dưa lưới trong thùng xốp, cần đảm bảo thoát nước tốt tránh gây ngập úng, thối rễ và chết cây. Để tăng độ ngọt và độ giòn của quả cần cắt giảm lượng nước tưới trước khi thu hoạch 8 – 10 ngày

7.2 Làm giàn

Thời điểm bạn cần làm giàn cho cây leo là khi cây phát triển được 5-6 lá. Để tạo giàn cho cây bạn có thể sử dụng cọc tre hoặc thanh gỗ. Nếu như dưa trồng cạnh hàng rào ban công, bạn có thể tận dụng luôn hàng rào này để cho cây leo. Và sử dụng dây ni lông buộc ngọn cây vào thanh hàng rào đó.

Nếu như bạn muốn trồng dưa lưới lâu dài và sử dụng năm này qua năm khác. Bạn nên đầu tư một giàn bằng lưới sắt cố định. Điều này giúp  dưa phát triển mạnh hơn, cho ra nhiều hoa và đậu nhiều quả.

7.3 Bón phân

Tùy vào từng giai đoạn phát triển của dưa mà lượng phân bón cũng khác nhau. Giai đoạn mới trồng, cây cần cung cấp nhiều đạm. Khi cây chuẩn bị ra hoa thì cây cần nhiều phân lân. Khi đã có trái bạn nên bổ sung kali để cho cây có quả ngọt và giòn.

Để dưa lưới cho trái chất lượng thì phân bón NPK là lựa chọn của nhiều người. Ngoài ra, bạn có thể chọn các loại phân hữu cơ để bổ sung dinh dưỡng và tăng độ ngọt tự nhiên cho quả. Chẳng hạn như phân trùn quế, chuồng hoai mục, chuối trứng sữa, đạm cá, rong biển, nước vo gạo,…

8. Thụ phấn

bi-quyet-trong-dua-luoi-trong-thung-xop-don-gian-ma-hieu-qua

Phân biệt hoa đực và hoa cái

Hoa cái là hoa mọc từ nách lá, mỗi nách có 1 hoa. Phía dưới cánh hoa có bầu nhỏ, thụ phấn thành công sẽ phát triển thành quả

Hoa đực là hoa mọc từ nách nhánh, mỗi nách có 1 cụm nhiều hoa. Hoa đực ngắn hơn và không có bầu nhỏ phía dưới giống hoa cái

Thời điểm và thời gian thụ phấn

Khi thấy đầu hoa cái chuyển vàng là hoa sắp nở thì cần tiến hành thụ phấn để đạt tỉ lệ đậu cao nhất. Việc thụ phấn cho hoa nên  thực hiện vào lúc 6-8h sáng

Cách thụ phấn cho dưa lưới trồng trong thùng xốp

Thụ phấn từ nách lá thứ 9 – nách lá thứ 15 là tối ưu nhất.

Tiến hành ngắt hoa đực, vặt sạch cánh và để lại phần nhị hoa chứa phấn màu vàng. Sau đó xoay đều nhị hoa đực xung quanh nhụy hoa cái. Hoặc có thể dùng chổi sơn loại nhỏ hoặc bông tăm quét phấn từ nhị đực sang nhụy cái.

9. Thu hoạch dưa lưới trồng trong thùng xốp

Để dưa có thể giòn và ngọt hơn thì trước khi thu hoạch bạn nên ngưng tưới nước 5-7 ngày. 

Thời gian cho thu hoạch dưa lưới trong khoảng từ 75 – 90 ngày tùy giống. Quả dưa khi chín thường có màu trắng ngà hay màu vàng, mùi thơm, gân lưới xuất hiện rõ. Khi thu hoạch dưa xong bạn để nơi thoáng mát trong nhà thêm một hai ngày nữa khi ăn dưa sẽ ngọt và ngon hơn.