Sen đá là biểu trưng cho sự son sắt và vĩnh cửu trong tình yêu cũng như tình bạn. Một vài chậu sen đá trên cửa sổ hay ở ban công, lan can… sẽ tô điểm thêm cho ngôi nhà của bạn những màu sắc trẻ trung. Nếu đã yêu thích sen đá, chắc hẳn bạn rất muốn biết rõ kỹ thuật chăm sóc cây sen đá đạt hiệu quả. Trong bài viết hôm nay, chúng tôi sẽ giúp các bạn tìm hiểu kĩ hơn về sen đá. Cũng như hướng dẫn bạn cách chăm sóc sen đá đúng kỹ thuật. Để qua đây các bạn có thể tự tin chăm sóc loại cây cảnh thú vị này.
Mục lục
Sen đá và những điều cần biết
Sen đá là gì?
Cây Sen đá hay còn gọi là Liên đài, Hoa đá là dòng thực vật mọng nước thuộc chi Echeveria họ thuốc bỏng . Ước tính có khoảng 60 họ sen đá khác nhau với gần 400 loài. Trong đó hơn 90% phân bố chủ yếu ở vùng nóng gần xích đạo Mexico, Nam Mỹ, châu Úc và châu Phi.
Đây là loài rất dễ sống, phát triển chậm và sống lâu. Không đòi hỏi được chăm sóc thường xuyên. Sen đá là giống cây nhỏ, gần như không có thân mà chỉ thấy lá. Là giống cây mọng nước và đặc biệt lá thường xếp thành hình như những bông hoa, nhất là hoa sen. Loài cây này ưa mọc trên đá, sỏi, nhưng nơi khô cằn nên mới được gọi là hoa sen đá.
Bên cạnh đó, hoa sen đá rất dễ trồng. Đây là loài cây ưa nắng, thường sống ở các vùng đất khô cằn, thiếu chất dinh dưỡng và khô nóng như sa mạc, vùng núi đá. Lá cây dày, mọng chính là để tích nước duy trì sự sống qua những ngày hạn kéo dài. Chúng có thể thích nghi với mọi loại khí hậu, mọi địa hình và sống quanh năm. Khi lá rụng có thể nảy chồi từ đó và mọc lên cây mới. Chính vì thế cây sen đá mang ý nghĩa về một tình yêu bền chặt, trọn đời, vĩnh cửu không thay đổi.
Tại Việt Nam, sen đá rất được ưa chuộng bởi đây là loại cây mới lạ, kỹ thuật trồng đơn giản và dễ chăm sóc. Sen đá có thể dùng làm vật trang trí trong nhà như: Bình hoa tiểu cảnh thủy sinh, Tranh sen đá treo tường, lọ sen đá mini trang trí bàn làm việc…
Ý nghĩa của Sen đá
Sen đá được biết đến như một biểu tượng của tình yêu. Một loài hoa minh chứng cho một tình yêu bền vững, trọn đời thủy chung và không bị thay đổi theo thời gian.
Cũng như vẻ đẹp mộc mạc thuần khiết cùng sức sống mãnh liệt của mình. Sen đá ý chỉ về một tình yêu giản đơn, không cầu kỳ. Sẵn sàng đối mặt với mọi khó khăn thử thách để một lòng một dạ đi bên cạnh nhau, vẫn trường tồn bất diệt.
Bên cạnh đó, còn có quan niệm là mọi việc trong cuộc sống đều có cách giải quyết riêng của nó. Miễn là chúng ta dũng cảm, mạnh mẽ để đối diện với nó. Vì thế hãy luôn tin vào cuộc sống và sẵn sàng chiến đấu như chính sen đá vậy.
Sen đá cũng được xem là món quà tặng ý nghĩa cho bạn bè người thân. Bởi hàm ý của việc tặng sen đá là mong muốn nhắn gửi những điều tốt đẹp nhất về sức khỏe, tình cảm bền lâu đến người nhận.
Ngoài ra, Sen đá còn mang những ý nghĩa trong phong thủy. Nó giúp mang đến tài lộc, may mắn cho gia chủ. Việc trồng sen đá trong nhà, màu xanh của nó sẽ làm cho không gian tươi mát hơn. Làm cho gia chủ niềm tin vào sự thay đổi thịnh vượng, tài lộc.
Hướng dẫn chọn sen đá
Đối với những bạn mới chơi nên chọn các loại dễ trồng như: Sen đá đỏ, cam, Chuỗi ngọc, Móng rồng, Kim cương… Chưa nên trồng các loại sen đài: Sen Phật Bà, Sen Viền lửa, Sen Nâu…
Vì rất dễ bị thối ngọn, mất màu, lá bị mềm và xòe ra không còn cứng cáp và cụp vào thành đài sen. Hơn nữa chăm sóc, tưới nước những loại này cũng khó hơn nhiều so với những loại sen không đài.
Cách lựa sen đá khỏe và tốt:
- Xem lá có bị mềm không, những nơi kinh doanh thường nhập sen đá từ Đà Lạt. Để nhiều ngày ở môi trường mới với giá thể cũ thì cây sẽ hỏng và yếu rất nhanh
- Nếu một vài lá bị mềm nhưng phần ngọn vẫn cứng thì không sao cả. Nếu lá mềm cả thân và phần ngọn thì cây đó về khó trồng lại lắm, tốt nhất các bạn không nên mua
- Hãy để ý giá thể: Vì mỗi nhà vườn dùng một loại giá thể khác nhau. Sẽ có nhà vườn đầu tư hơn dùng giá thể xịn, bạn sẽ thấy các hạt perlite, pumice lẫn trong giá thể. Cây nào trồng giá thể tốt thì mua sẽ yên tâm hơn
- Một số cây đã được thuần tại môi trường mới thì phần ngọn sẽ nhỏ hơn so với phần lá cũ, nhưng lá rất cứng cáp. Những cây đã thuần sẽ có tỉ lệ sống rất cao
- Nếu lựa được cây sen đá có phần thân hóa gỗ hoặc có thể nhìn thấy phần thân cây thay vì chỉ thấy lá thì rất tốt. Vì những cây này có tuổi đời lâu hơn, khỏe hơn và dễ xử lý hơn
Môi trường trồng sen đá
Sen đá không trồng được trong nhà, sen đá bắt buộc phải để ngoài trời và cần nắng. Nắng hướng nào cũng được, nắng sáng hay chiều, nắng nhẹ hay gắt đều được, nhưng phải có nắng. Còn lại mình sẽ điều chỉnh cách chăm sóc cho phù hợp với lượng nắng là được.
Sen đá có thể trồng ở rất nhiều nơi: Ban công hướng Tây, ban công hướng Đông. Vì thế, các bạn đừng lo. Nếu nhà có nắng, có gió thì kiểu gì cũng trồng được sen đá.
>> Xem thêm:Bật mí cho bạn cách chăm sóc sen đá giúp cây sống khỏe lên màu
Giá thể trồng sen đá
Giá thể trồng sen đá bằng các thành phần dễ kiếm:
- Nguyên liệu: Trấu hun nguyên hạt, xỉ than đập nhỏ bằng hạt bắp rửa qua nước 1-2 lần cho sạch, xơ dừa để giữ độ ẩm và phân hữu cơ (phân bò hay phân trùn quế đều được)
- Tỉ lệ: Trấu hun – xỉ than – xơ dừa – phân hữu cơ trộn theo tỉ lệ 3-6-3-1. Nếu dùng thêm phân tan chậm (gợi ý bạn nên dùng NPK 14-14-14) bạn nên rải một chút khoảng 8 đến 10 viên trên bề mặt mỗi chậu sau khi trồng là tốt nhất
- Cách nhận biết giá thể đạt yêu cầu: Sau khi trộn xong, bạn lấy một nắm giá thể vào lòng bàn tay rồi bóp chặt, thả tay ra mà đất vẫn tơi xốp, không bị vón cục là đã đạt yêu cầu
- Vì nguyên liệu mỗi người sử dụng có chất lượng khác nhau. Nên nếu với tỉ lệ trên mà bạn bóp vào vẫn bị vón cục thì hãy thêm trấu hun và xỉ than trộn tới khi nào đạt yêu cầu nhé
Cách nhân giống sen đá
Tương tự như những loại cây có lá mọng nước khác, sen đá cũng tương đối dễ nhân giống. Bạn chỉ cần:
- Chọn ra một vài lá già, khỏe và tốt nhất là các loại lá bánh tẻ để dễ phát triển ra cây non hơn.
- Đặt lá ở những nơi đất ẩm, có bóng mát và dễ thoát nước khi tưới.
- Sau khoảng 1 – 2 tuần, phần đầu lá sẽ phát triển ra những rễ non và chồi cây.
- Khi cây đã phát triển lớn dần khoảng 1 – 2 tháng, lá mẹ cũng héo và khô lại. Bạn có thể tách cây sang chậu mới để dễ dàng chăm sóc hơn.
- Tuy nhiên, khi tách cây, bạn cũng cần lưu ý những mầm cây lúc này rất dễ gãy và yếu ớt. Do đó không nên để cây tiếp xúc với ánh mặt trời nhiều. Và chỉ cho cây tắm nắng nhẹ cho đến khi trưởng thành.
Nhận biết và phòng bệnh cho cây
Bệnh thường gặp ở sen đá
- Thông thường, sen đá hay bị nấm hoặc loài rệp trắng gây hại. Nhất là vào thời điểm giao mùa, khi mùa mưa nhiều. Biểu hiện rõ nhất là lá cây bị thối đen, lan dần qua những cây khác và toàn thân cây.
- Khi sen đá bị nấm, nếu phát hiện bệnh kịp thời, bạn có thể cắt bỏ phần bị bệnh và giữ lại phần khỏe mạnh để hạn chế trường hợp bỏ cả cây. Không được để cho vùng trồng cây bị ẩm ướt quá lâu. Sau khoảng 3 ngày thì tiến hành trồng lại cây. Đồng thời kết hợp phun các thuốc phòng bệnh như Anzil, COC85,…
- Đối với trường hợp cây bị rệp tấn công, bạn cần loại trừ kiến đầu tiên. Vì loại rệp này không thể tự bò từ cây này sang cây khác mà thông qua con vật trung gian là kiến. Do đó, khi bạn nhìn thấy vệt đen xuất hiện trên lá. Bạn cần đặt riêng cây đó sang một bên và phun thuốc phòng bệnh cho cả những cây khác.
- Thuốc dùng để diệt rệp thường là thuốc diệt kiến. Bạn cần lưu ý không phun trực tiếp vào cây mà phun dưới sàn và xung quanh vườn. Nếu không sử dụng thuốc diệt kiến, bạn có thể sử dụng nước của điếu thuốc lào đã pha loãng để thay thế.
Nhận biết các dấu hiệu cảnh báo của cây sen đá
Lá cây bị vàng và mềm nhũn: Thường gặp nhất ở những cây có lá sát gốc. Đây là trường hợp cây bị thừa nước. Tuy nhiên, nếu cây bị úng, rễ và lá nhũn có dịch màu nâu thì có thể do cây đã bị vi khuẩn xâm nhập.
Lá cây bị nhăn nheo: Đây là dấu hiệu sen đá thiếu nước. Khi nhận thấy lá nhăn, khô, thân cây cằn cỗi và héo dần bạn cần cấp nước cho cây để khôi phục.
Lá cây bị thâm đen, mọng: Đây là dấu hiệu sen đá của bạn bị úng nước, hoặc lá bị đọng nước quá lâu.
Lá cây bị trong suốt: Nếu trên cây xuất hiện nhiều phần lá bị trong suốt hơn những chỗ khác. Vùng lá mềm nhũn, có màu hơi vàng hoặc chảy nước đục thì khả năng cây đã bị vi khuẩn xâm nhập là rất cao. Bạn nên nhanh chóng cắt bỏ phần lá hư và tách cây ra để tránh bị lây lan.
Lá cây duỗi thẳng: Đối với những loại cây có lá mọc ôm vòng như cánh sen thì tình trạng lá duỗi thẳng là do thiếu ánh sáng và nắng.
Lá cây bị rụng: Khi đụng nhẹ, lá của sen đá liên tục rụng xuống mặc dù còn xanh thì khả năng cây đã thiếu nước, ánh sáng, chất dinh dưỡng.
Cánh lá nở to và thưa: Bạn cần thay đất cho cây vì chúng đã thiếu dinh dưỡng và nắng.
Lá bị thâm, bầm: Khi thấy phần ngọn hoặc đầu lá bị thâm thì nguyên nhân thường là do cháy nắng. Nếu bị thâm, bầm ở nhiều chỗ thì khả năng cao cây đã bị nhiễm virus. Gần như không thể chữa trị.
Những sai lầm thường gặp khi trồng cây sen đá
Mặc dù là loại cây có thể sống trong những điều kiện khắc nghiệt. Nhưng cây sen đá vẫn khá đỏng đảnh khi chăm sóc. Dưới đây là những sai lầm phổ biến nhất khi bạn chăm sóc và trồng loại cây này.
Chọn sai loại sen đá
Đa phần các loại sen đá đều có đặc tính chung là ưa nắng và chịu hạn tốt. Tuy nhiên, khả năng chịu khô hạn của mỗi loại cũng sẽ khác biệt do sinh sống ở những vùng khí hậu khác nhau trên Trái Đất.
Chẳng hạn như các loại sen đá đến từ Châu Âu, Mỹ, Nga, hay Đà Lạt,… Chúng có đặc thù sinh học riêng của vùng lạnh, khô hay nắng nhẹ. Và cần một chế độ chăm sóc đặc biệt hơn so với những loại sen đá sống ở vùng nắng.
Đối với những bạn mới trồng sen đá, thì nên chọn những loại cây khỏe. Chịu nóng tốt để thích nghi với khí hậu nơi bạn đang sống. Cụ thể, các loại sen đá bạn có thể lựa chọn khi mới bắt đầu trồng là: Sen đá nâu, sen nhung viền đen, sen đá móng rồng sao biển, sen thạch bích, sen đá bông hồng đen, sen sỏi, sen gấm… Đây là những loại tương đối dễ trồng đối với khí hậu Việt Nam.
Còn những loại sen đá có thân nhỏ, mỏng và mềm, nhiều màu sắc, nhiều phấn,… Thường là những loại đỏng đảnh, khó chăm sóc và chỉ dành cho những người đã có nhiều kinh nghiệm về loại cây này.
Chọn sai loại đất trồng sen đá
Sen đá là loại cây dễ trồng nhưng cũng dễ chết nếu chúng sống trong đất ẩm ướt quá lâu. Nếu bạn mua cây từ những cửa hàng thì rất có khả năng chúng đã được trồng trong đất chứa nhiều nước. Thay vì giữ lại đất sau khi mua về, bạn cần phải thay hoàn toàn bằng đất mới để trồng. Điều này giúp cây được thoát nước dễ hơn.
Một công thức đơn giản về đất trồng sen đá là: 45% đá perlite + 45% đá nham thạch nhỏ + 10% phân bò đã ủ.
Không đủ ánh sáng cho cây
Để duy trì màu sắc và hình dáng cho sen đá, bạn cần đặt cây ở hướng nam, gần của sổ. Điều này sẽ giúp cây nhận đủ nắng mỗi ngày.
Nếu đang trồng giống sen đá Echeverias, bạn cần phải cung cấp nhiều ánh sáng hơn để cây phát triển. Đối với các giống Haworthias, Gasterias, và Sansevierias,.. thì chúng chỉ cần nắng nhẹ khoảng 2 – 3 giờ mỗi ngày.
Tưới nước sai cách
Hầu hết các loại sen đá đều cần rất ít nước để sống, có thể vài ngày. Thậm chí là 1 tháng không cần tưới chúng vẫn có thể sống được nếu độ ẩm trong không khí đảm bảo. Vì thế, việc tưới nhiều nước mỗi ngày cho cây thì chỉ khoảng 1 tuần cây sẽ úng và chết rất nhanh.
Tuy nhiên, việc tưới nước cho sen đá cũng cần đúng kỹ thuật, bạn cần tránh tuyệt đối việc tưới vào lá. Chỉ cần tưới nhẹ dưới gốc cho đất đủ độ ẩm là được. Và luôn nhớ, không tưới vào buổi trưa hoặc đầu giờ chiều khi thời tiết nồm, nắng gắt.
Trên đây là toàn bộ những cách trồng sen đá cũng như các kinh nghiệm bạn có thể tham khảo để chăm sóc cho cây sen đá nhà mình. Với loài cây có tính khí “đỏng đảnh” như thế này thì bạn cần phải chú ý thật nhiều. Nhưng bù lại chúng sẽ phát triển và ra hoa mang đến nhiều hạnh phúc cho bạn. Chúc các bạn thành công!